Làm thế nào biến CV thành “Cool version”?

Lần đầu tiên mình phải viết CV đó là vào năm mình 18 tuổi. Một đứa học sinh cấp ba mới đỗ Đại học và không “ khao khát” gì khác ngoài việc đi làm thêm. Khi đó, mình được công ty ném cho

“01 bộ sơ yếu lí lịch” và điền vào form mẫu có sẵn của công ty. Lúc đó mình dễ dàng hoàn thành và được chọn vào vòng phỏng vấn. Đứa con gái 18 tuổi ngơ ngơ “nhầm hiểu” rằng “CV chỉ có thể thôi”

Lần thứ hai mình tiếp tục phải viết CV là năm mình 20 tuổi – ứng tuyển vào vị trí marketing partime cho một công ty mà sau này cũng trở thành nơi đầu tiên mình làm fulltime khi ra trường. Yêu cầu của chị leader khi đó “Viết và gửi CV cho giám đốc bên chị”. Đến bây giờ mình vẫn chưa thể quên cảm giác lúc đó – hồi hộp và lo lắng. “CV như nào bây giờ”, “ lấy mẫu ở đâu, trên mạng toàn mẫu xấu”, “mình chả có kinh nghiệm gì về marketing, phần kinh nghiệm tính sao”. Đã có rất nhiều câu hỏi và khoảng thời gian – ba ngày – đã khiến mình căng thẳng tột độ. Kết quả cho sự căng thẳng là một bản CV được viết trên Word theo dạng chia đoạn văn chỉ vọn vẹn ba phần: thông tin liên lạc, trình độ học vấn, lý do muốn làm marketing. Vậy đấy, bạn không đọc nhầm đâu, bản CV đầu tiên không hề có phần kinh nghiệm, cũng không có kĩ năng cá nhân hay kĩ năng công việc.

Vậy làm thế nào để từ một đứa lần đầu gửi CV còn chả biết xuất file ra PDF mà gửi lại trở thành đứa làm công ty nào cũng được giao thêm việc tuyển dụng cho công ty. Hãy cố gắng đọc hết bài viết này, mình nghĩ nó sẽ giúp bạn đôi chút trong việc hoàn thiện CV và kĩ năng ứng tuyển công việc.

Coolversion_2

Hãy biết lựa chọn

Trong thời gian đầu tập toẹ viết CV mình luôn cố gắng đưa nhiều nhất thông tin có thể vào. Nhưng rồi sau đó hầu hết các nhà tuyển dụng khi hẹn gặp phỏng vấn, câu hỏi đầu tiên họ luôn dành cho mình là “Em hãy tóm tắt và giới thiệu qua về bản thân em”. Mình đã từng rất thắc mắc, tại sao họ không đọc CV của mình. Nhưng rồi mình nhận ra, chẳng một nhà tuyển dụng nào có thể kiên nhẫn đọc hết CV của bạn cùng 1001 những chiếc CV khác.

“Nếu bạn không khác biệt, bạn sẽ chìm vào quên lãng…”

Việc đầu tiên trong quá trình lựa chọn là bạn phải học cách “buông bỏ” và “sắp xếp”. Bạn không thể ôm đồm kể lể hết quá trình học tập và làm việc của bạn thu nhỏ lại trong một trang A4. Bạn càng không thể nhồi nhét thêm vào đó những mong muốn công việc hay kĩ năng bản thân. Vậy nên “buông bỏ” là yếu tố sống còn giúp CV của bạn trở nên khác biệt.

Nếu như bạn đang ứng tuyển vào vị trí Marketing Excutive cho công ty về IT – công nghệ, bạn không thể kể rằng trước đây bạn đã từng làm bồi bàn, từng bán quần áo, từng chạy ads cho các công ty về đồ trẻ em. Hãy chọn lọc ra những kinh nghiệm gần gũi và liên quan nhất đến công việc bạn đang nhắm tới. Hoặc giả dụ công ty A đang có offer vị trí Business Development Manager, sẽ thật phí phạm khi trong bản CV của bạn kinh nghiệm về mảng xây dựng chiến lược phát triển doanh nghiệp chỉ vỏn vẹn đôi ba dòng và kèm theo đó là những kinh nghiệm chưa thật sự liên quan khác.

Hãy ngồi xuống và đọc thật cẩn thận “ Job description”, nhanh chóng gạch đầu dòng ra những yếu tố bạn có thể đáp ứng và những kinh nghiệm bạn đã có trong ngành nghề bạn đang nhắm tới. Sau khi đã có thể “buông bỏ”, bước tiếp theo trong quá trình lựa chọn chính là học cách “sắp xếp”. Một bản CV thật sự hấp dẫn được thể hiện qua việc sắp xếp các thông tin sao cho hợp lí, vừa đủ, gợi một chút tò mò nhưng vẫn rất mạch lạc, rõ ràng.

Để sắp xếp được thông tin chỉ vọn vẹn trong một trang A4, bạn cần xác định đâu là điểm mạnh, đâu là hạn chế của bản thân bạn. Bạn không thể để phần kinh nghiệm ra giữa trang – ở vị trí bắt mắt nhất khi bạn chỉ có một vài kinh nghiệm làm việc. Thay vào đó, bạn hãy đưa thêm các thông tin về những hoạt động bạn đã tham gia, nhớ đừng chỉ kể tên, 90% nhà tuyển dụng chả ai quan tâm tên hoạt động của bạn đâu, hãy viết và kể cho họ thấy “Bạn đã làm gì và đạt được gì qua những lần tham gia hoạt động”. Hoặc giả như, con đường học hành của bạn chả có gì thú vị, kết quả học tập cũng chả thể xuất sắc như chúng bạn, vậy thì đừng để “trình độ học vấn “ ở ngay phần đầu tiên của CV, hãy “giấu” chúng ở cuối trang hoặc ở cột bên trái dưới phần thông tin liên lạc….

Coolversion_3

Hãy là chính mình và biết tiết chế

Nghe thật mâu thuẫn. Sao khuyên người ta là chính mình nhưng rồi lại bảo người tiết chế. Đó là bài học các công ty đã dạy mình trong suốt quá trình đi làm. Chúng ta luôn luôn nói với nhau rằng “Phải khác biệt”, “ Không khác biệt sẽ chết, sẽ không ai để ý “. Nhưng sự thật rằng bản thân mỗi chúng ta vốn đã là những sự khác biệt. Bạn có thể sinh cùng ngày cùng tháng cùng năm với mình, nhưng bạn đâu thể cùng được nuôi dưỡng trong một môi trường, cùng được tiếp xúc với những người giống mình. Bản chất của sự khác biệt mỗi cá nhân toát ra từ suy nghĩ, quan điểm, thói quen… Sự khác biệt không toát ra từ việc “ gồng mình”.

Nếu bạn đang thích một công việc về ngành hàng mẹ & bé chỉ đơn giản vì đây là ngành hàng ít ai trẻ tuổi lại dám dấn thân vào, bạn sẽ tha hồ có hàng ngàn cơ hội để vùng vẫy, thử nghiệm. Vậy thì cứ cho nhà tuyển dụng thấy, bạn yêu thích nó vì nó cho bạn nhiều cơ hội, hãy kể cho họ về việc bạn sẽ làm những gì khi được nhận công việc này, những ý tưởng “điên rồ” của bạn, những tiềm năng mà ngành hàng khác chả thể có được. Hoặc chỉ đơn giản, bạn yêu thích công việc này vì môi trường làm việc quá đẹp, chế độ đãi ngộ lại tốt dù cho bạn chưa hiểu mấy về công việc hoặc những khó khăn bạn sẽ phải đối mặt. Đừng giấu chúng. Hãy thể hiện ra với nhà tuyển dụng, cho họ thấy với chế độ đãi ngộ tốt như vậy bạn sẽ làm được gì đóng góp cho công ty, bạn sẽ đối mặt với những khó khăn trong công việc như thế nào, cảm giác của bạn ra sao nếu như công ty có một cơ sở hạ tầng “sang – xịn – mịn”. Đừng cố gồng mình lên trở thành một ứng viên chuyên nghiệp, một sự lựa chọn sáng suốt của mọi công ty. Hãy cứ là chính mình, thành thật với chính những mong muốn của bản thân, với nhà tuyển dụng.

Chỉ khi bạn thành thật và nói ra những suy nghĩ của bản thân thì khi đó mối quan hệ công việc mới có thể dài lâu. Hãy thử tưởng tượng, bạn thích công ty B nhưng mức lương không tốt lắm, đi lại cũng xa xôi và thế là bạn chọn công ty C với mức lương ổn hơn, gần hơn nhưng công việc chả có gì hứng thú với bạn. Nhưng trong suốt quá trình phỏng vấn, bạn lại không hề thành thật với nhà tuyển dụng của công ty C vì sao bạn chọn công việc này. Vậy là nhà tuyển dụng mặc định bạn yêu thích công việc này nên mới ứng tuyển. Và chúc mừng bạn, chuỗi ngày lặp đi lặp lại những công việc nhàm chán bắt đầu. Rồi đến một ngày đẹp trời với bạn và xấu trời với nhà tuyển dụng, bạn xin nghỉ. Lý do bạn đưa ra “Em thấy công việc không phù hợp”. Bạn ạ, rõ ràng từ đầu bạn đã không thành thật, giờ bạn lại đưa ra lý do mà ngay từ đầu bạn nên nói. Bạn có thấy mình đang làm mất thời gian của chính bản thân và nhiều người khác không. Rồi bạn lại cắm đầu đi nộp CV, bạn lại đi theo vết xe đổ chỉ vì không dám thành thật với mong muốn bản thân, chỉ vì những lý thuyết “phải khác biệt để được chú ý”. Theo bạn, vòng luẩn quẩn này đến bao giờ sẽ chấm dứt ?

Việc luôn là chính mình là việc rất nên làm nhưng các bạn cũng nên học cách biết tiết chế. Bởi buổi phỏng vấn cũng giống như lần đầu gặp mặt. Hãy để lại ấn tượng tốt đẹp và vừa đủ với đối phương. Chẳng một ai muốn yêu một cô gái quá nổi loạn và bất cần ngay từ lần gặp đầu tiên cũng giống như việc không có nhà tuyển dụng nào muốn tuyển một nhân viên quá thẳng thắn đến mức vô duyên, bốp chát ngay lần đầu tiếp xúc. Hãy nói đúng, nói đủ chứ đừng nói hết bạn nhé.

86ea0d2a6274f87658827bfa7c877605.jpg

Và …. Luôn thành thật

Có rất nhiều bạn sinh viên rơi vào hoàn cảnh “ tôi mới ra trường, không có kinh nghiệm, vậy công ty nào nhận tôi ?” Và các bạn ấy luôn cố gắng làm sao cho bản CV của mình đẹp nhất, ngay cả việc “ nói dối một chút” về những kinh nghiệm của mình.

Có hai cách có thể giúp bạn giải quyết vấn đề này: Bạn phải học cách chấp nhận và làm những công việc không yêu cầu kinh nghiệm với một mức lương không giống như bạn mong muốn. Hoặc bạn phải học cách “đánh một canh bạc” – bằng việc thành thật trong bản CV về những kinh nghiệm ít ỏi nhưng cho nhà tuyển dụng thấy bạn luôn sẵn sàng học hỏi, sẵn sàng làm việc gấp đôi thậm chí gấp ba và những giá trị bạn có thể đem lại nếu nhà tuyển dụng chấp nhận bạn. Đừng bao giờ kể về những công việc mình chưa từng được làm. Bạn biết không, dù bạn nói giỏi đến mấy nhưng đến khi bắt tay vào làm việc, nếu bạn không phải là người có thực lực, mọi sự dối trá của bạn sẽ dần dần lộ ra theo thời gian.

Mình từng nói với các bạn trong team của mình rằng “ Em có thể không giỏi xuất sắc về chuyên môn, xử lí tình huống của em còn kém. Đừng quá lo lắng, mọi thứ đều có thể học được. Nhưng nếu em không thành thật, em mãi mãi là một người kém cỏi”

Và một lời cuối mình muốn nói với các bạn đang đi tìm kiếm công việc “Quãng thời gian thất nghiệp quả thật đáng sợ, nhưng đừng vì những khoảng trống mà mất đi bình tĩnh và chọn những công việc không phù hợp hoặc bản thân không quá yêu thích. Hãy tin rằng, một cánh cửa đóng lại sẽ chẳng có cánh cửa nào khác mở ra đâu. Việc của bạn là đi tìm chìa khoá để mở chúng. Và bạn biết đấy, có những người dùng cả thanh xuân để tìm chìa khoá”. Hi vọng bài viết này sẽ giúp các bạn chút ít trong quá trình hoàn thiện CV. Nếu có thêm đóng góp nào đừng quên để lại dưới phần comment để chúng mình cùng bàn luận. Chúc bạn sớm có “ Cool Version” !

Leave a comment